Cổ sinh học Majungasaurus

Trang trí hộp sọ

Skull cast

Majungasaurus có lẽ đặc biệt nhất trong trang trí hộp sọ của nó, bao gồm mũi mở rộng và hợp nhất với một sừng phía trước. Các ceratosaur khác, bao gồm Carnotaurus, Rajasaurus, và Ceratosaurus có sừng trên đầu. Các cấu trúc này có khả năng đã đóng một vai trò trong sự cạnh tranh liên loài, mặc dù chức năng chính xác của chúng trong đời thực là không rõ. Khoang rỗng bên trong sừng phía trước của Majungasaurus làm suy yếu cấu trúc này và có lẽ không được sử dụng trong các trận chiến vật lý, mặc dù sừng có thể phục vụ mục đích hiển thị.[5] Tuy có sự khác biệt về cấu trúc ở mức cá thể, song không có bằng chứng nào cho sự dị hình giới tính.[2]

Săn mồi

Phục dựng hai con Majungasaurus truy đuổi Rapetosaurus

Các nhà khoa học đã gợi ý rằng hình dạng hộp sọ độc đáo của Majungasaurus và các abelisaurid khác chỉ ra những thói quen săn mồi khác so với các loài ăn thịt. Trong khi hầu hết các loài khủng long chân thú đặc trưng bởi các hộp sọ dài, thấp có chiều rộng hẹp, hộp sọ của abelisaurid thì cao hơn và rộng hơn, và cũng thường có chiều dài ngắn hơn.[2] Hộp sọ hẹp của các khủng long chân thú được trang bị tốt để chịu được sức ép thẳng đứng từ vết cắn mạnh, nhưng không thể chịu được mômen ngẫu lực (xoắn).[8] So với các loài săn mồi thuộc lớp Thú hiện đại, hầu hết các loài chân thú có thể đã sử dụng một chiến lược săn mồi tương tự như các loài thuộc họ Chó với mõm dài và hẹp, tạo ra nhiều vết cắn làm suy yếu con mồi trước khi kết liễu chúng.[9]

Các abelisaurid, đặc biệt là Majungasaurus, thay vào đó có thể đã thích nghi cho chiến lược kiếm ăn tương tự như họ Mèo hiện đại, với mõm ngắn và rộng, chỉ cắn một lần và giữ cho đến khi con mồi khuất phục. Majungasaurus có mõm thậm chí rộng hơn các abelisaurid khác, và các khía cạnh khác của giải phẫu cũng có thể hỗ trợ cho giả thuyết cắn và giữ. Cổ của chúng được củng cố, với các đốt sống mạnh mẽ, xương sườn đan xen và gân hóa đá, cũng như các vị trí gắn cơ bắp được cũng cố trên đốt sống và mặt sau của hộp sọ. Những cơ bắp này đã có thể giữ đầu ổn định bất chấp sự vật lộn của con mồi. Hộp sọ abelisaurid cũng được củng cố ở nhiều khu vực bằng các khối xương sinh khoáng hóa trồi ra khỏi da, tạo ra kết cấu gồ ghề đặc trưng của xương. Điều này đặc biệt đúng với Majungasaurus, nơi xương mũi được hợp nhất và dày lên để tăng sức mạnh. Mặt khác, hàm dưới của Majungasaurus có một cửa sổ lớn (lỗ mở) ở mỗi bên, như đã thấy trong các loài ceratosaur khác, cũng như khớp hoạt dịch giữa các xương nhất định cho phép mức linh hoạt cao ở hàm dưới, mặc dù chưa bằng mức linh hoạt như được thấy ở rắn. Đây có thể là một thích ứng để ngăn chặn gãy xương hàm dưới khi giữ một con vật đang vật lộn. Các răng trước của hàm trên chắc chắn hơn so với phần còn lại ở sau, để cung cấp điểm neo cho vết cắn, trong khi chiều cao thân răng thấp của răng Majungasaurus giúp ngăn chúng bị gãy trong quá trình giữ mồi. Cuối cùng, không giống như răng của Allosaurus và hầu hết các loài chân thú khác, được uốn cong ở cả mặt trước và mặt sau, abelisaurid như Majungasaurus có răng cong ở cạnh trước nhưng thẳng hơn ở cạnh sau (cắt). Cấu trúc này có thể đã phục vụ để ngăn cắt, và thay vào đó giữ răng ở đúng vị trí khi cắn.[2]

Khung xương của Majungasaurus và Rapetosaurus

Majungasaurus là loài săn mồi lớn nhất trong môi trường của nó, trong khi các loài động vật ăn cỏ lớn duy nhất được biết đến vào thời điểm đó là loài khủng long chân thằn lằn như Rapetosaurus. Các nhà khoa học đã đề xuất rằng Majungasaurus, và có lẽ các loài abelisaurid khác, chuyên săn lùng những loài khủng long cổ dài. Sự thích nghi để tăng cường sức mạnh của đầu và cổ cho kiểu tấn công cắn và giữ có thể đã rất hữu ích để săn các loài khủng long chân thằn lằn, vốn là các loài động vật cực kỳ mạnh mẽ. Giả thuyết này cũng có thể được hỗ trợ bởi đôi chi sau của Majungasaurus, vốn ngắn và chắc nịch, trái ngược với đôi chân dài và thon hơn của hầu hết các loài khủng long ăn thịt khác. Mặc dù Majungasaurus sẽ không di chuyển nhanh như các khủng long chân thú có kích thước tương tự, song nó sẽ không gặp khó khăn gì trong việc theo kịp các loài khủng long di chuyển chậm. Xương chân sau chắc chắn cho thấy đôi chân rất mạnh mẽ và chiều dài ngắn hơn của chúng sẽ hạ thấp trọng tâm của con vật. Do đó Majungasaurus có thể đã hy sinh tốc độ mà đổi lấy sức mạnh.[2] Dấu răng Majungasaurus trên xương Rapetosaurus xác nhận rằng ít nhất nó đã cố ăn những con khủng long này, cho dù nó có thực sự giết chết chúng hay không thì vẫn là một bí ẩn.[10]

Ăn thịt đồng loại

Mặc dù các loài khủng long chân thằn lằn có thể là con mồi chủ yếu của Majungasaurus, những khám phá chi tiết được công bố vào năm 2007 tại Madagascar cho thấy sự hiện diện của các Majungasaurus khác trong chế độ ăn uống của chúng. Nhiều xương của Majungasaurus được phát hiện mang dấu răng giống hệt với dấu răng trên các loài khủng long cổ dài từ cùng địa phương. Những dấu vết này có khoảng cách giống như răng trong hàm Majungasaurus, cùng kích thước với răng Majungasaurus và các rãnh nhỏ hơn trùng khớp với răng cưa trên răng của Majungasaurus. Vì Majungasaurus là loài săn mồi lớn duy nhất được biết đến từ khu vực này, nên lời giải thích đơn giản nhất là chúng đã ăn các thành viên khác thuộc đồng loại.[10] Những gợi ý rằng Coelophysis kỷ Tam Điệp là một kẻ ăn thịt đồng loại gần đây đã bị bác bỏ,, khiến Majungasaurus trở thành loài duy nhất có khuynh hướng ăn thịt đồng loại,[11] mặc dù có một số bằng chứng chỉ đến tập tính ăn thịt đồng loại xảy ra ở các loài khác.[12]

Không rõ liệu Majungasaurus có chủ động săn lùng đồng loại của mình hay chỉ nhặt xác của chúng.[10] Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu đã lưu ý rằng các loài rồng Komodo hiện đại đôi khi giết lẫn nhau khi cạnh tranh để ăn xác thịt. Những con thằn lằn này sau đó sẽ ăn thịt thi hài của đối thủ đã bị giết, điều này có thể chỉ đến hành vi tương tự ở chi Majungasaurus và các loài khủng long ăn thịt khác.[12]

Liên quan